Cây ngọc lan

giống cây trồng Ngọc lan còn được gọi là Mộc lan, Sứ, là tên gọi chung cho một số loài trong chi Ngọc lan – Michelia, họ Ngọc lan – Magnoliaceae. Chi Ngọc lan bao gồm 50 loài với dạng sống từ cây bụi đến cây gỗ lớn, thường xanh, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Nam và Đông Nam châu Á, bao gồm cả Nam Trung Quốc.

cay-ngoc-lan-trang

Ở Việt Nam, có khoảng 20 loài thuộc chi Ngọc lan, trong số đó có khoảng 5 loài được trồng phổ biến khắp nước vì hoa thơm.

Có 2 loài thường được trồng nhiều ở đền thờ, chùa chiền, lăng tẩm, cung điện là Ngọc lan trắng và Ngọc lan vàng. Trong số đó, Ngọc lan trắng được trồng phổ biến hơn. Do cây có tán rậm, hoa rất thơm, nên dân gian thường ngại trồng trong vườn nhà, vì quan niệm rằng dễ bị “ma quỉ” tọa vào, quấy rầy gia cảnh, sau này khó loại bỏ.  Ở các chùa Phật giáo, Ngọc lan được xem là loài cây xanh thích hợp vì cho bóng mát tốt, lại cho hoa thơm lan tỏa làm cho cảnh quan thêm phần trang nghiêm. Thường nó được chọn trồng ở phía tiền đình của cảnh phật. Ngọc lan trắng cũng được trồng nhiều ở các khuôn viên công sở. Ngoài ra, Ngọc lan cũng đã được trồng ở một số công viên, vườn cảnh.

Ngọc lan trắng, còn được gọi là Mộc lan trắng, Sứ trắng, Bạch lan hoa, tên tiếng Anh là White Champaca, tên khoa học là Michelia alba. Cây thường xanh, cao 10 – 15 m, nhánh non có lông. Lá bầu dục thon, to khoảng 15-25 x 4-9 cm, xanh tươi, sáng màu, hơi ngã vàng. Hoa rất thơm, gồm 8-12 cánh hoa trắng thon nhọn, hơi cong, nhiều nhị vàng ngắn.

Ngọc lan vàng, còn được gọi là Ngọc lan ngà, Mộc lan vàng, Sứ vàng, tên tiếng Anh là Champaca, tên khoa học là Michelia champaca. Cây thường xanh, to cao hơn Ngọc lan trắng, có thể cao đến 35 m. Lá có phiến hình xoan hay xoan thuôn, to 10-20 x 4-9 cm, chót nhọn hay có mũi, có lông thưa ở cả 2 mặt. Hoa cũng rất thơm, màu vàng ngà đến vàng cam cam, cánh thẳng.

Người Trung Quốc dùng hoa Ngọc lan trắng sản xuất một loại dầu thơm gọi là “White champaca flower oil”. Tinh dầu Ngọc lan trắng cũng được dùng trong một loại nước hoa nổi tiếng có tên là nước hoa Joy, do vậy đôi khi người ta còn gọi tên cho cây là Joy perfume tree. Ở nhiều nước Đông Nam Á, hoa của cả 2 loài Ngọc lan trắng và Ngọc lan vàng đều được dùng cho một số mục đích khác nhau. Có nơi dùng thả vào tô nước để trưng bày trang hoàng cho phòng cưới, nhiều nước dùng lấy hương sản xuất nước hoa và kem chải tóc. Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam , hoa Ngọc lan trắng thường được phụ nữ dùng cài lên mái tóc vào những dịp lễ hội. Hoa Ngọc lan cũng thường được dùng thờ cúng trong những ngày lễ, tết, rằm, mồng một hàng tháng. Vào những ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng, chúng ta dễ dàng bắt gặp một vài người nách một cái rỗ nhỏ đựng những gói lá chuối xếp thành hình chiếc bánh tày hay bánh ú chứa những hoa Ngọc lan đi bán dạo ở một số đường phố. Nhiều gia đình đón mua để trưng bày trên đĩa quả phẩm thờ cúng ở bàn Phật, bàn thờ Gia Tiên hay trang Ông, trang Bà.

Trong nền y học truyền thống châu Á, nước ép hay nước sắc của hoa Ngọc lan được dùng chữa trị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, sốt. Hoa ngâm trong dầu dùng ngoài da trị nhức đầu, đau mắt, viêm mũi, xoang, thấp, gút, chóng mặt, viêm nhiễm và sốt. Lá dùng chữa trị các vết sưng tấy. Rễ cây Ngọc lan trắng có tác dụng thông kinh, vỏ rễ dùng hạ nhiệt, hoa trấn kinh… Ở Ấn Độ, hoa của Ngọc lan vàng được dùng điều trị ung thư vùng bụng.

Như vậy, Ngọc lan trắng và Ngọc lan vàng là 2 loài cây xanh đa tác dụng. Chọn nơi trồng thích hợp sẽ góp phần đa dạng hóa chủng loại, đồng thời tận dụng được những tính năng sẵn có của nó, vừa tôn tạo cảnh quan vừa thu được những sản phẩm phục vụ đời sống cộng đồng.

Cách ươm trồng cây ngọc lan

Chọn nguồn giống:

Cây bố mẹ được chọn phải là cây khỏe mạnh, không cong queo sâu bệnh, hình dáng đẹp, tán đều, tuổi cây từ 10 – 20 năm để lấy giống.

Quả to dài từ màu xanh chuyển sang màu nâu là lúc quả chín, lúc đó có thể hái quả, tách hạt để gieo ươm. Quả thường chín vào tháng 1 – 3 dương lịch những quả chưa chín được ủ lại thành từng đống từ 2 – 3 ngày cho quả chín đều, đống ủ không cao quá 50 cm và phải thông gió, mỗi ngày đảo lại một lần. Khi quả chín đem rải đều phơi vài ba nằng nhẹ để tách hạt, thu hạt hằng ngày, sau đó hong khô ở nơi râm mát 2 – 3 ngày. Khi hạt đã khô, sàng bỏ hết tạp vật, thu hạt tốt, cho vào bảo quản nơi khô ráo. Hạt có lớp vỏ cứng bao bọc, dễ bảo quản. Nên dự trữ hạt nơi khô ráo, có ẩm độ thấp.

Tạo cây giống:

Cây con ngọc lan có thể được tạo bằng phương pháp gieo hạt hoặc bằng phương pháp chiết

+ Đối với phương pháp tạo cây con bằng cách gieo hạt:

Trước khi gieo, xử lý hạt bằng nước ấm (40 – 50 độ C), hai phần nước sôi ba phần nước lạnh, ngâm hạt trong nước ấm và để nguội dần sau 12 giờ. Sau đó đãi hạt lép bỏ đi, rồi ủ trong túi vải, mỗi ngày rửa chua 1 lần trong nước ấm (30 – 40 độ C), Sau 3- 5 ngày hạt trương cò hiện tượng nứt nanh, lựa những hạt này cho vào bầu ươm cây con hay đem gieo vào các khay cát. Khi cho hạt vào bầu đất hay khay cát cần lấp đất dày 1 cm, sau đó tủ rơm rạ và làm giàn che cho cây con. Độ che bóng từ 60 – 75%, sau 2- 3 ngày gieo, hạt bắt đầu nảy mầm, lúc này lấy bớt rơm rạ, tránh làm tổn hại cây con.

* Bầu đất:

+ Vỏ bầu bằng túi P.E, kích thước 15 x 20cm, nếu trồng phục vụ cho cây cảnh quan đô thị, kích thước bầu phải lớn hơn.

+ Ruột bầu: 80% lớp đất mặt tại chỗ hay có thể vận chuyển từ nơi khác đến, lớp đất này cần tán nhuyễn, kế tiếp ray lại bằng sàng cát và trộn 20% phân chuồng hoai. Tưới đẩm bầu trước khi gieo hạt.

Thời vụ gieo ươm: Tháng 2 – 3 dương lịch .

+ Tạo cây con bằng chiết hoặc cành ghép:

Các cây con tạo bằng phương pháp chiết cành có nhiều ưu điểm là cây ra hoa kết quả sớm, khỏe, cho năng suất ổn định và giữ được phẩm chất dòng cây bố mẹ.

Nguồn: giongcaytrong.com