Làm giàu từ câu hỏi tại sao nghèo

Nhiều thanh niên ở ĐBSCL vượt qua nghèo khó, trở nên khá giả khi nhìn thẳng vào hoàn cảnh của gia đình với câu hỏi cháy bỏng: Tại sao nghèo hoài?

Đất của nhà Tuổi thơ Phạm Hoàng Lộc ở xã Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang) phụ cha mẹ bán củi kiếm sống. Mỗi lần vác củi đi qua khu vườn rộng hơn héc-ta cam bưởi cằn cỗi, câu hỏi buồn tủi đè nặng vai Lộc còn hơn bó củi: Tại sao có đất mà nhà mình vẫn nghèo? Thế rồi cha mẹ và anh em tiễn Lộc đến trường đại học để hy vọng tương lai thoát kiếp ruộng vườn chân lấm tay bùn nghèo khổ nhưng tốt nghiệp, Lộc lại về nhà quyết cải tạo khu vườn để làm giàu. Cuộc sống tủi cực cho Lộc nhận ra, cha mẹ già thiếu khoa học kỹ thuật nên làm vườn không có thu nhập. Vì vậy Lộc thi vào ngành Sinh học của Trường Đại học Cần Thơ. Trong hai năm cuối đại học, Lộc đã cùng thầy và bạn sinh viên hùn vốn mua mấy công cam lá (chưa ra trái) áp dụng kiến thức tiên tiến chăm sóc, cuối năm thu lời khá nên tích lũy được một số kinh nghiệm. Ra trường năm 2011, thành công ngay vụ đầu với vườn nhà, có vốn, Lộc mua và thuê thêm đất cho đến nay tròn 30 tuổi đã có tròm trèm 10 ha cam sành. Chỉ năm 2014, Lộc cho biết thu lời hơn một tỷ đồng. Da sạm đen, khuôn mặt nhiều nét đăm chiêu mỗi khi nói về cam sành thì đôi mắt mở to sáng bừng lên rạng rỡ: “Trồng cam sành thực ra không khó, chỉ cần hiểu tính nết cây cối và phòng chống những bệnh nguy hiểm như vàng lá gân xanh”. Thật đơn giản nhưng để hiểu tính nết cây cối không biết bao nhiêu ngày đêm Lộc mất ăn mất ngủ, trị được bệnh vàng lá gân xanh như một loại ung thư với cây có múi phải là một quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ chọn giống, làm đất, bón phân và chăm sóc. Phải có kiến thức, niềm đam mê và khát vọng thoát nghèo mới làm được. Cũng vậy, Kim Hồng Thái ở xã Thới Hưng (Cờ Đỏ, Cần Thơ) tốt nghiệp trung cấp trồng trọt, về nhà cải tạo hai công xoài cằn cỗi của gia đình. Đau đáu từ nhỏ câu hỏi tại sao có đất mà vẫn nghèo nên Thái sớm hiểu tính nết cây xoài để thành công. Nay Thái có một héc-ta xoài sum suê, hàng lối đẹp như tranh và Thái bảo, muốn cho ra trái lúc nào cũng được. Vườn nhà còn 3 ha ruộng, Thái làm hai vụ lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá. “Đất đó trước đây gia đình tôi vất vả quanh năm mà không khá nổi, nay một năm đã thu hơn tỷ đồng”, Thái cười tươi như hôm nhận giải thưởng Lương Định Của dạo tháng 9/2014 do Trung ương Đoàn tặng.
NGHỀ CỦA LÀNG
Trần Thị Thủy thấy chồng ngồi tư lự, lòng rầu lây. Lấy nhau đã mấy năm, cô ngoài hai mươi và anh Trần Văn Toản gần ba mươi rồi, bươn chải chưa tìm được lối thoát nghèo. Toản ráng học nghề lái máy cuốc công trình thì việc khi có khi không, lương ba cọc ba đồng. Giữa năm 2011, gia đình của Thủy ở xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) có việc; vợ chồng đưa nhau về, thấy trại gà của em Thủy khá đắt khách liền bảo nhau: Nuôi gà Đông Tảo để thoát nghèo? Ngay chuyến về quê ấy, họ học nghề nuôi gà Đông Tảo. Như mọi nghề, cần ý chí để nắm bí quyết. Vợ chồng Thủy có thuận lợi là học nghề với em ruột nên nhanh, đưa mấy trăm gà con về Cần Thơ nuôi, qua vài thất bại cũng thành công. Vợ chồng Thủy mua được đất mở trại gà Đông Tảo ở phường Long Hòa (Bình Thủy, Cần Thơ), không phải thuê mướn đất nữa, bán gà thịt lẫn giống khắp ĐBSCL. Trần Thị Thủy (trái) giao gà Đông Tảo tận nhà cho khách ở Cần Thơ Có đồng ra đồng vô nhưng vợ chồng trẻ vẫn chí thú giữ nghề, trực tiếp giao gà cho hàng quán cũng như người nuôi. “Giao trực tiếp để đảm bảo gà Đông Tảo thuần, không sơ suất lẫn lộn dễ mất uy tín”, Thủy bộc bạch. Mong muốn của vợ chồng Thủy, phát triển cơ sở nuôi gà Đông Tảo để nhiều người dân ĐBSCL được thưởng thức thịt gà quý miền Bắc. Do nuôi không dễ, hiện phần lớn các gia đình mua giống để nuôi ăn, chưa mấy người nuôi bán. Gà thịt cho các nhà hàng vẫn chủ yếu trại của vợ chồng Thủy cung cấp. “Chúng tôi sẵn sàng truyền nghề của quê hương, không giấu”, Thủy tính tình lanh lẹ cười tươi. Còn Nguyễn Hải Phần ở xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) lại lập trang web để mong đưa được nhiều ba ba ra Bắc. Năm nay 30 tuổi, qua chục năm lao tâm khổ tứ để làm chủ quy trình kỹ thuật nuôi ba ba ở quê nhà, Phần đã có khả năng cung cấp cho thị trường mỗi năm hàng vạn con ba ba thịt, hàng chục vạn con ba ba gống. Phần tủm tỉm: “Lời lãi một năm hơn tỷ đồng cũng sống được, phấn khởi hơn là em gái của tôi vừa tốt nghiệp thạc sỹ nuôi trồng thủy sản đã đồng ý về cùng làm với tôi để đưa ba ba ra miền Bắc và có thể xuất khẩu nước ngoài nữa”.
DỊCH VỤ MỚI
“Cứ rày thì khá sao nổi?”, Trần Văn Phong ở xã Tân Nghĩa (Cao Lãnh, Đồng Tháp) thốt lên với chiếc máy gặt đập của nhà hay hư hỏng, phải đưa lên thành phố sửa. Trăn trở rồi Phong bỏ ngang lớp 8 để đi học lớp sửa máy gặt đập. Có mục đích rõ ràng, nghị lực cứng cỏi, Phong nhanh chóng biết sửa các hỏng hóc thông thường của máy gặt đập và nhiều loại máy nông nghiệp khác. Lại được Xã Đoàn hỗ trợ, tháng 4/2008, Phong lập Tổ hợp tác đa dịch vụ, từ sửa các loại máy móc đến bơm nước, gặt lúa, cày đất. Vẻ mặt điềm đạm, Phong giới thiệu, hiện tổ có 30 thanh niên. Tài sản có 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày, 2 máy kéo nhỏ cùng phà chở máy đi đường sông và một số máy bơm. Hoạt động dịch vụ không còn bó hẹp trong ấp, xã như hồi đầu. Phong cho biết: “Chưa giàu có gì nhưng thu nhập nói chung là ổn. Hướng tới, lo nâng cao trình độ cho các thành viên để nâng cao chất lượng dịch vụ”. “Nâng cao trình độ cho thanh niên” cũng đang là mục tiêu của Phó bí thư Chi đoàn khu phố 2, phường 5 (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) Phạm Đình Cường, ông chủ Trung tâm dịch vụ sự kiện Thanh Niên. Sinh trong nhà nghèo, khi bạn bè học lên thì Cường đi học nghề hàn tiện, lao động cật lực dành dụm tiền mở được tiệm cơ khí bé tý trước sân nhà. Năm 2013, chưa tròn ba chục tuổi, Cường đã có khả năng thiết kế và làm các loại cổng hoa, khung rạp bằng sắt rất đẹp nên mở Trung tâm dịch vụ lo trọn gói các đám cưới, sự kiện. Trung tâm nay có 7 thanh niên chính thức, 40 thanh niên hợp đồng công việc. “Tôi đang chuẩn bị dạy nghề cho thanh niên vì mình khá rồi, phải lo cho thanh niên trong phường cùng khá”, Cường nở rộng nụ cười trên khuôn mặt thư sinh thông minh.
Tác giả bài viết: Ngọc Huyền
Nguồn tin: nongnghiep.vn