Quy trình thâm canh cam CS1
Tùy theo địa hình đất (cao hay thấp, dễ hay khó thoát nước) mà lựa chọn phương pháp lên luống hay đắp ụ cho phù hợp.
Năm: N/A
Mã: FV-QU-HD-1210-16-CCM
I. Chuẩn bị đất trồng:
1.1. Thiết kế vườn trồng:
Tùy theo địa hình đất (cao hay thấp, dễ hay khó thoát nước) mà lựa chọn phương pháp lên luống hay đắp ụ cho phù hợp.
Trồng cây chắn gió, thiết kế hàng rào bảo vệ, hệ thống thoát nước, hệ thống cung cấp nước tưới trước khi trồng cây.
1.2. Mật độ, khoảng cách:
Tùy theo khí hậu từng vùng, đất đai, kỹ thuật canh tác mà khoảng cách thay đổi cho phù hợp, khoảng cách trồng thích hợp nhất cho cam là 4 x 4m.
1.3. Thời vụ trồng
+ Vụ Xuân: tháng 2 – 4
+ Vụ Thu: tháng 8 – 9
1.4. Cách trồng
Đào hố trồng với kích thước: 1 x 1 x 1m. Khi đào, lớp đất mặt để riêng, lớp đất dưới trộn với phân chuồng, vôi bột, lân sau đó lấp hố cao hơn mặt đất 20 – 30cm.
Khi trồng, đào lỗ giữa mô, đặt bầu cây con xuống sao cho mặt bầu cao hơn mặt mô 3 – 5cm. Sau đó dùng đất vun tới mặt bầu rồi dận chặn, tưới nước.
Khi đặt cây phải xoay mắt ghép theo hướng chiều gió để tránh gãy nhánh, có thể cắm cọc để cây khỏi bị tác hại của gió.
II. Kỹ thuật chăm sóc
2.1. Chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản
– Làm cỏ
Những năm đầu cây còn nhỏ chưa giao tán phải làm sạch cỏ gốc. Ở những vùng đất bằng hoặc hơi dốc nên trồng cây phân xanh ở giữa các hàng cây để vừa che phủ đất giữ ẩm, chống cỏ dại, tạo nguồn phân xanh cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây.
– Trồng xen
Đối với đất dốc, giữa các hàng cam gieo 1 hàng rào kép cây phân xanh thuộc loại thân bụi như muồng, cốt khí, keo, đậu để chống xói mòn và cung cấp chất hữu cơ tại chỗ. Lượng hạt cây phân xanh từ 20-25kg/ha. Diện tích đất trống còn lại trên băng gieo các loại cây họ đậu thân thảo như đậu hồng đáo, cỏ sytilo, lạc dại.. để che phủ, giữ ẩm đất và chống cỏ dại. Thường gieo trồng cây phân xanh trước khi trồng cam, hoặc ngay sau khi trồng.
– Tạo tán
Trụ cột của tán cây là 3 cành chủ C1, mỗi cành C1 lại có 2-3 cành C2. Cành cấp 1 mọc từ thân chính, cách mặt đất 50cm, xiên góc 60-80o so với thân chính. Cành cấp 2 mọc xiên 10-200 từ cành cấp 1, độ dài cành cấp 1 khống chế trong khoảng từ 50-60cm. Cành cấp 3 mọc xiên từ cành cấp 2 với góc 10-200. Cành mang quả là cành cấp 4, phân bố đều xung quanh tán cây.
– Bón phân
+ Liều lượng:
Loại phân Lượng phân bón (g/cây)
Loại phân | Lượng phân bón (g/cây) | ||
1 năm | 2 năm | 3 – 4 năm | |
Urê | 110 | 150 | 300 |
Lân supe | 280 | 390 | 780 |
Kali clorua | 70 | 120 | 235 |
+ Thời kỳ bón: Bón phân thúc 4-5 lần/năm vào các tháng 2, 4, 6, 10 và tháng 12. Lượng phân chia đều trong các lần bón.
+ Phương pháp bón: Lúc cây còn nhỏ, phân vô cơ được hòa với nước để tưới cho cây kết hợp với các đợt xới xáo làm cỏ.
Khi cây lớn, rạch rãnh xung quanh tán, rãnh sâu khoảng 10-15 cm, rắc phân vào rãnh rồi lấp đất lại. Mỗi lần bón phân đều phải kết hợp với làm cỏ, xới xáo gốc, tưới nước và tủ gốc cây.
Phân chuồng được bón với lượng 50-60kg/cây/năm, bón 1 lần cùng với lần bón phân hữu cơ vào đầu vụ xuân. Khi bón phân chuồng, rãnh bón được cuốc sâu và rộng hơn, sâu từ 15-20 cm, rộng từ 20-30 cm.
2.2. Chăm sóc thời kỳ kinh tế (sau thời kỳ kiến thiết cơ bản)
– Làm cỏ, tưới nước
Thường xuyên phát cỏ, tủ gốc để giữ ẩm. Bổ sung nước tưới để duy trì ẩm độ đất đạt từ 70-75% sau khi đậu quả và trong giai đoạn quả lớn.
– Bón phân
+ Lượng bón: Vào thời kỳ kinh tế, lượng phân bón chủ yếu dựa vào năng suất vụ trước đó để đảm nhu cầu dinh dưỡng cho cây.
Lượng phân bón được khuyến cáo sử dụng theo bảng sau:
Năng suất (kg/cây) | 20 | 40 | 60 | 90 | 120 | 150 | |
Lượng phân bón (g/cây) | Urê | 650 | 1.100 | 1.300 | 1.750 | 2.200 | 2.600 |
Lân supe | 830 | 1.400 | 1.700 | 2.250 | 2.800 | 3.350 | |
Kali clorua | 375 | 625 | 750 | 1.000 | 1.250 | 1.500 | |
Phân chuồng | 40 | 50 | 60 | 80 | 100 | 120 |
+ Thời kỳ bón: Bón phân trong thời kỳ cây cho quả được chia làm 3 lần chính: bón sau thu hoạch quả, bón trước khi ra hoa và bón trong thời gian quả lớn. Lần bón thứ 3 có thể được chi thành 2-4 lần nhỏ, tùy điều kiện từng nơi. Lượng phân bón được áp dụng theo hướng dẫn trong bảng dưới.
Thời gian bón | Tỷ lệ các loại phân chính (%) | Ghi chú | |||
N | P2O5 | K2O | Phân chuồng | ||
Bón sau thu hoạch | 20 | 100 | 20 | 100 | Bón sâu cùng phân chuồng bón lót (90kg/cây) |
Bón vụ Xuân, trước và sau lộc xuân xuất hiện | 30 | 0 | 30 | 0 | Cần đảm bảo độ ẩm trước khi bón |
Bón thời kỳ quả lớn
(2 – 4 lần) |
50 | 0 | 50 | 0 | Cắt cành vượt, dừng bón trước thu quả 1 tháng |
+ Phương pháp bón
* Bón sau thu hoạch: Rạch rãnh xung quanh tán (rộng 30cm, sâu 20 cm), rắc phân (phân vô cơ và hữu cơ) vào rãnh rồi lấp đất kín.
* Bón thúc: bón theo rãnh, rãnh sâu 10cm, rộng 15cm, mỗi lần bón phân đều phải kết hợp với làm cỏ, xới xáo gốc, tưới nước và tủ gốc lại gốc cây.
– Cắt tỉa
Tiến hành cắt tỉa 3 lần trong năm, vào các đợt sau:
+ Đợt 1: Cắt tỉa sau thu quả. Cắt bỏ tất cả những cành trong tán, cành nhỏ, cành yếu, cành sâu bệnh, một số cành vượt, cành mọc đan xen nhau. Cắt tỉa kết hợp với vệ sinh đồng ruộng, đốt bỏ hết tàn dư sâu bệnh trên vườn.
+ Đợt 2: Cắt vào vụ xuân, thời điểm cây ra hoa đậu quả: cắt bỏ những cành yếu, cành có chùm hoa nhỏ, cành sâu bệnh, cành mọc trong tán.
+ Đợt 3: Cắt tỉa vào vụ hè, giai đoạn quả lớn: Cắt bỏ những cành sâu bệnh, tỉa bỏ quả nhỏ quả dị hình.
2.3. Phòng trừ sâu, bệnh
+ Sâu vẽ bùa Phylocnistis citrella
– Trưởng đẻ trứng vào mặt dưới lá non. Sâu non đục vào lớp dưới biểu bì tạo đường hầm ngoằn ngoèo màu trắng bạc. Sâu non đẫy sức hoá nhộng ngay trong vòng cuộn của lá. Vòng đời sâu vẽ bùa ngắn, từ 17 – 23 ngày.
– Phòng trừ: phun Polytrin 440EC nồng độ 0,25%. Phun khi lộc non mới nhú, dài1-2cm
+ Câu cấu: Hypomeces squamosus và Platymycterus sieversi
– Loài Hypomeces squamosus màu xanh vàng, kích thước lớn hơn loài Platymycterus sieversi, màu trắng đục. Khi có tiếng động, câu cấu lẩn trốn hoặc giả chết rơi xuống đất. Trưởng thành hoạt động giao phối vào ban ngày, trứng đẻ từng ổ 3-5 quả vào các kẽ thân cây hoặc mép lá khô. Sâu non nở ra rơi xuống đất, hoạt động dưới mặt đất. Trưởng thành vũ hoá sau những cơn mưa tháng 4-5 và tháng 7-9.
– Phòng trừ: phun Supracide 0,20 – 0,25%
+ Sâu đục cành: Chelidonium argentatum
– Vào tháng 4-5, trưởng thành đẻ trứng, từng quả, vào nách lá non, đỉnh chồi. Sâu non đục vào bên trong cành tạo đường ngoằn ngoèo xoáy trôn ốc. Lúc đầu, đường hầm đục hướng ra ngoài tán, sau đó đường đục quay vào phía trong thân và sâu hóa nhộng ở đó.
– Phòng trừ: Phun Supracide 0,2 – 0,25% khi lộc non xuất hiện hoặc bơm Ofatox 0,1% vào lỗ đục trên cành, sau đó dùng đất sét bít kín lỗ thông.
+ Sâu đục thân: Nadezhdiella cantori Hope
– Trưởng thành màu xanh đậm có những đốm trắng. Trưởng thành đẻ trứng, từng quả, vào các vết nứt của cây. Sâu non đục vào trong thân tạo đường ngoằn ngoèo hướng từ dưới lên trên, hoá nhộng ngay trong thân cây.
– Phòng trừ: vệ sinh vườn, gốc cây sạch sẽ. Thường xuyên dùng nước vôi đặc quét gốc để hạn chế trưởng thành đẻ trứng lên thân cây. Bơm Supracide 0,2 – 0,25% vào lỗ có sâu, dùng đất sét bịt kín lỗ sâu đục để diệt sâu non.
+ Nhóm ngài chích hút quả: Othreis fullonia, Ophiusa coronata, Ophiusa tirhaca.
– Trưởng thành hoạt động từ chập tối đến khoảng nửa đêm, hút dịch trên những quả cam chín. Quả bị ngài chích sẽ thối, sau đó bị rụng.
– Phòng trừ: Đặt bẫy dẫn dụ có trộn thuốc trừ sâu để diệt ngài, 10 bẫy/ha.
+ Ruồi vàng: Bactrocera dorsalis
– Ruồi trưởng thành dài 4 – 5 mm, màu nâu đỏ, vân vàng. Trưởng thành cắm ống đẻ trứng vào quả, sâu non nở ra ăn thịt quả và phát triển thành dòi ở bên trong. Ruồi vàng phá hoại nặng vào tháng 8-9. Quả bị hại thường bị rụng sớm.
– Phòng trừ: dùng bả Metyleuzernol + Nalet tiêu diệt con trưởng thành.
+ Rệp
– Rệp sống thành quần tụ, hút nhựa trên chùm hoa hay các bộ phận non. Chất bài tiết của rệp là môi trường thuận lợi cho nấm muội đen phát triển. Rệp gây rụng hoa, quả non, đọt non biến dạng, lá bị xoăn lại.
– Phòng trừ: phun DC Tron Plus 0,5%, Supracide 0,2% khi phát hiện thấy rệp hại
+ Rầy chổng cánh: Diaphorina citri
– Rầy trưởng thành màu xám nâu, dài 2,5 – 3 cm. Rầy cái đẻ trứng trên các lộc non vừa nhú, rầy có thể đẻ tới 800 quả trứng. Rầy trưởng thành hoạt động nhanh nhẹn, rầy con màu vàng sáng rất ít di động.
– Phòng trừ: Phun dầu DC Tron Plus 0,5%, Sherpa 0,2% để phòng trừ
+ Nhện đỏ: Panonychus citri, Tetranychus citr
– Nhện đỏ có chiều dài khoảng 0,5 mm, thân hình ô van, màu đỏ sẫm (Tetranychus) hoặc đỏ tươi (Panonychus citri), trên thân có lông dài thưa màu trắng hoặc hơi vàng. Trứng nhện màu đỏ tươi hình cầu hoặc hình củ hành. Nhện đẻ trứng sát gân lá, trên cả hai mặt lá.
– Phòng trừ: Phun Abarmactin: 0,3%, DC Tron Plus 0,5% , Pegarus 0,2%, Saromite 0,15%
+ Bệnh vàng lá: Greening do Liberibacter asiaticus
– Cây bị bệnh có hiện tượng “gân xanh lá vàng”. Bệnh thường biểu hiện từ những cành đơn lẻ, lá rụng dần và cành bị chết. Ở những cành bị bệnh, quả nhỏ, biến dạng, màu nhợt, chua.
– Phòng trừ: chặt bỏ những cây bị bệnh. Chăm sóc tốt cho vườn cam, trồng xen ổi để xua đuổi rầy chổng cánh.
+ Bệnh loét cam: Xanthomonas campestris citri
– Triệu chứng: Trên lá, khi mới xuất hiện, vết bệnh có dạng giọt dầu trong suốt, sau đó vết bệnh lan rộng ra thành hình tròn hay hình bất kỳ màu nâu nhạt, quầng vàng. Vết bệnh lan nhanh khi gặp nhiệt độ, ẩm độ cao. Khi cây bị bệnh, lá rụng hàng loạt, cành khô rồi chết, cây sinh trưởng kém, quả rụng sớm.
– Phòng trừ: phun dung dịch Boocđo 1%.
+ Bệnh chảy gôm: Phytophthora sp
– Bệnh chủ yếu hại các rễ tơ nơi tiếp giáp giữa bộ phận trên và dưới mặt đất. Ở cây bị bệnh, lá chuyển vàng, nhựa chảy ra từ các vết bệnh trên thân.
– Phun hoặc quét dung dịch Aliet 2% hoặc boocdo 3% lên thân cây.
III. Kỹ thuật thu hái
Tiến hành thu hoặc khi quả chuyển màu vàng. Quả được thu hoạch vào ngày nắng khô ráo, không nên thu trái ngay sau mưa hoặc vào những ngày mù sương vì quả dễ bị ẩm thối. Quả thu xong cần để nơi thoáng mát, không nên tồn trữ quá 15 ngày kể từ khi thu hoạh vì làm giảm giá trị thương phẩm quả. Muốn bảo lâu, phải đặt quả nơi thoáng mát.
Nguồn:giongcaytrong.com